24/12/2021
Sau thời gian “ngủ đông”, thời điểm cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã bắt đầu quay trở lại “đường đua” bằng việc mở bán các dự án cũng như hé lộ kế hoạch kinh doanh năm tới. Theo dự báo của các chuyên gia, bức tranh nền kinh tế và thị trường BĐS năm 2022 sẽ tươi sáng.
“Bất động sản luôn là điểm nóng của thị trường”
Trong hai năm Covid-19, thị trường BĐS dù bị tác động nhưng rất khác so với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Những năm 1997-1998, 2007-2008 hay 2011-2012, thị trường BĐS nhìn chung đều rơi vào cảnh bị giảm khoảng 30-40% giá cả vì nhiều nguyên do khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất đến kinh tế năm 2020-2021, BĐS vẫn không bị mất giá.
Bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ khởi sắc hậu dịch. Ảnh: Quang Hải
Lý giải về điều này, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho rằng, trong 5 năm vừa qua đối với thị trường BĐS nói chung đều có những vấn đề liên quan đến việc thực hiện và quản lý dự án. Do vậy nguồn cung trên thị trường có sự thiếu hụt và hạn chế những quỹ đất bù đắp. Từ đó, mặt bằng chung, giá BĐS không có sự giảm nhiệt.
Ông giải thích thêm, đối với người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, BĐS luôn là “điểm nóng" của những nhà đầu tư cá nhân và những nhà đầu tư tổ chức. Điều này sẽ còn gia tăng khi dân số Việt Nam tăng cao, lực lượng lao động trẻ hóa và tư tưởng về sống riêng thay đổi.
TS Sử Ngọc Khương: "BĐS luôn là “điểm nóng" của những nhà đầu tư cá nhân và những nhà đầu tư tổ chức". Ảnh: internet
Hơn nữa, thời điểm những nhà đầu tư chốt lời từ những thị trường như chứng khoán, vàng, tiền tệ, thì họ sẽ cần những kênh để đầu tư vững chắc, tạo ra giá trị lớn hơn và đó chính là BĐS. Bởi BĐS là một giá trị thực, dòng tiền dồn vào BĐS theo đánh giá của chuyên gia sẽ mạnh mẽ nhất vào thời điểm Quý I/2022.
Phân khúc nào sẽ chiếm sóng thị trường 2022?
Thời gian qua có thể thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như của thị trường BĐS sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp BĐS đã và đang dần thích nghi và có kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh với tâm thế tăng tốc để bù lại khoảng thời gian đóng băng.
Cụ thể, lượng tin đăng sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội nhưng sau đó tăng mạnh khi yêu cầu giãn cách được nới lỏng. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng cũng không hề suy giảm cho thấy dù nguồn cung hạn chế và giá bán chưa giảm sâu, người mua vẫn sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, nhà ở sơ cấp sẽ khó có thể giảm trong năm 2022, do chi phí phát triển dự án gồm tiền đền bù và chi phí tài chính tăng cao trong bối cảnh dự án kéo dài trong các năm qua và chi phí nguyên vật liệu xây dựng đang tăng mạnh. Các chủ đầu tư có thể sẽ tiếp tục đưa ra chính sách bàn giao tốt hơn, hỗ trợ kéo dài tiến độ thanh toán để kích cầu thay vì giảm giá bán sơ cấp.
Ông Trương Sỹ Bình - Tổng Giám đốc PHN Group: “Sóng gió của thị trường BĐS nghỉ dưỡng do dịch Covid-19 gây ra có thể kết thúc từ cuối 2021”. Ảnh: Thu Hương
Trong khi đó, ở góc độ chủ đầu tư, ông Trương Sỹ Bình, Tổng Giám đốc PHN Group cho rằng, mảng BĐS nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh chóng trong tương lai nhờ hỗ trợ của vaccine cùng sự phục hồi của thị trường du lịch tại Việt nam. Sóng gió của thị trường BĐS nghỉ dưỡng do dịch Covid-19 gây ra có thể kết thúc từ cuối 2021. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm BĐS đề cao tiện ích an toàn, riêng tư.
Tiếp đó là phân khúc BĐS công nghiệp. Ông Bình đánh giá: “Thời gian qua có thể nhận thấy rằng các nhà đầu tư lớn nước ngoài vẫn vô cùng lạc quan và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Do đó nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần, ngoài kho xưởng xây sẵn, sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường trong năm tới”.
Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc đầu tư kinh doanh BĐS. Bức tranh phát triển của thị trường BĐS 2022 sẽ phụ thuộc phần lớn vào động thái kích hoạt nền kinh tế trong tình huống tiếp tục sống chung an toàn với dịch bệnh. Do đó, doanh nghiệp BĐS cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó với dịch bệnh mang tính ổn định.
Việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 cũng sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần tạo ra sự sôi động của thị trường BĐS. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vốn vào các khu vực và dự án BĐS tiềm năng, đặc biệt là các khu đô thị vệ tinh có hạ tầng kết nối giao thông thuận tiện.
Với chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng tiềm lực của thị trườn, bức tranh BĐS năm 2022 có thể dự báo nhiều tươi sáng.
Các tin khác
Công ty CP Tập đoàn Phúc Hoàng Ngọc (PHN Group) bổ nhiệm ông Hoàng Minh Hiếu giữ chức Tổng Giám đốc tập đoàn, thay ông Trương Sỹ Bình.
Ông Nguyễn Đăng Khoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Công ty Cổ phần PHN Pearl – đơn vị thành viên của PHN Group.
Nhằm kiện toàn và ổn định bộ máy nhân sự tập đoàn, PHN Group đã bổ nhiệm 3 vị trí chủ chốt của Ban Tài chính – Kế toán, Ban Kế hoạch – Đầu tư và Ban Pháp chế - Kiểm soát nội bộ. Đồng thời quy hoạch chức danh Phó Tổng Giám đốc.
Nhân chuyến công tác tại Đà Nẵng, HLV trưởng ĐT Việt Nam – ông Park Hang-seo đã đến thăm ban lãnh đạo và tập thể công nhân viên Công ty CP Tập đoàn Phúc Hoàng Ngọc (PHN Group).
Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam, Tập đoàn PHN Group trân trọng gửi những lời yêu thương tốt đẹp nhất đến tất cả Phụ Nữ Việt. Có thật nhiều sức khoẻ, an nhiên bên gia đình và thành công trong cuộc sống!
Chiều 13/10/2022, Tập đoàn PHN Group đã tổ chức buổi giao lưu "Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam" với sự tham gia của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể CBNV Tập đoàn.